Di tích Nhà tù Hoả Lò ở địa chỉ số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội, là nơi Thực dân Pháp từng giam cầm, đày ải hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Tại Di tích hiện nay có trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu quý, tái hiện một thời kỳ lịch sử đấu tranh kiên cường, anh dũng của bao chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh những sản phẩm trải nghiệm ban ngày, vào các tối thứ Sáu và thứ 7 hàng tuần, Di tích đang tổ chức các chương trình Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa và Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân.

Hình ảnh ấn tượng trong "Đêm thiêng liêng 2".

Có dịp được trải nghiệm hành trình đặc biệt này, BTV Thư Hiền của Chuyển động 24h xúc động: “Sinh ra ở Hà Nội, sống ở đây được 1/3 đời người, vậy mà trước đây chưa bao giờ tôi tới thăm Nhà tù Hoả Lò. Khi có dịp được tham dự chương trình Đêm thiêng liêng, tôi mới thật sự cảm nhận được thế hệ hôm nay may mắn và hạnh phúc thế nào. Tôi như bước vào một hành trình đặc biệt, ngược dòng lịch sử. Không gian Di tích buổi tối càng thêm thiêng liêng, với sự sắp đặt của âm thanh, ánh sáng, mùi hương trầm phảng phất. Lắng nghe, cảm nhận lịch sử qua những câu chuyện bi hùng theo lời kể của thuyết minh viên, xem những hoạt cảnh được tổ chức trong chính những căn phòng giam trước kia, thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ”.

Chương trình Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đoá hoa, tập trung tôn vinh những nữ chiến sỹ yêu nước, cách mạng từng bị bắt giam trong Nhà tù Hoả Lò. Đó là câu chuyện về bà Nhiêu Sáu - dũng cảm tham gia vụ đầu độc binh lính Pháp năm 1908. Khi kế hoạch bại lộ, thực dân Pháp đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, nhét bà vào đó rồi lăn từ Cửa Nam về Hoả Lò. Đó còn là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của đồng chí Võ Nguyên Giáp, cũng là em gái ruột của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Hoàn cảnh tù đày khiến mẫu tử chia cắt. Trước khi mất, bà chỉ mong được gặp lại con gái Võ Hồng Anh lần cuối. Nhưng ước nguyện không thành, bà ra đi khi mới 29 tuổi, trong nỗi cô đơn, khi không có chồng, con và người thân bên cạnh. Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Ái, để tham gia hoạt động cách mạng, bà phải gửi con, nhờ người nuôi dưỡng, sau 5 năm quay lại tìm con gái Thanh Vân thì hay tin, con đã chết vì khát sữa.

Thuyết minh viên giới thiệu về ý nghĩa của cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò.

Một hoạt cảnh kịch tính trong "Đêm thiêng liêng 2"

Nhiều khán giả xúc động và rơi nước mắt khi chứng kiến những câu chuyện của lịch sử.

Chương trình Đêm thiêng liêng 3: Lửa Thanh xuân mang đến một thông điệp ý nghĩa: Thanh xuân không phải thời gian, thanh xuân là cảm xúc. Chương trình là lời tri ân đối với những đóng góp, sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng trẻ tuổi, từng bị thực dân Pháp bắt giam trong Nhà tù Hỏa Lò. Đó là câu chuyện về: đồng chí Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh (sau này là Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam) bị giam trong ngục tối vẫn kiên cường đấu tranh; đồng chí Đặng Việt Châu (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tham gia lập kế hoạch đấu tranh tuyệt thực năm 1933, đòi quyền lợi cho anh em tù chính trị; câu chuyện về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ) nguyện hy sinh trọn đời cho Tổ quốc; về anh Nguyễn Hoàng Tôn, bị xử tử hình bằng máy chém ngay trước cổng chính Nhà tù Hoả Lò vẫn rất hiên ngang... cùng nhiều tấm gương kiên trung khác. Sự hi sinh của các chiến sĩ đã góp những ngọn lửa thanh xuân rực cháy cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Hoạt cảnh trong "Đêm thiêng liêng 3"

Tham gia và hành trình Đêm thiêng liêng, du khách sẽ được nhập vai tù chính trị, để trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; trải nghiệm sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục... Từ đó, cảm nhận rõ nét nhất tinh thần vượt lên gian khổ, ngọn lửa đấu tranh bền bỉ của những thanh xuân trong chốn lao tù khắc nghiệt.

Cuối hành trình, du khách sẽ được thắp nén tâm nhang, tri ân các anh hùng, liệt sỹ; ghi lại cảm xúc lên những trang lưu bút được thiết kế đặc biệt. Du khách được thưởng thức những đặc sản từ cây bàng trăm tuổi như: chè Bất khuất, trà bàng, bánh lá bàng, thạch bàng. Trước khi ra về, mọi người sẽ đóng dấu “Đồng song” làm kỷ niệm.

Cách làm truyền thông giàu cảm xúc

Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic hiện có gần 400.000 lượt theo dõi và thường xuyên có các bài đăng viral trên mạng xã hội. Đội ngũ truyền thông đằng sau thành công ấy là các bạn trẻ gen Z tài năng, cá tính, yêu nước, và vẫn khiêm tốn khi được hỏi về bí kíp cho ý tưởng truyền thông độc đáo: “Chúng tôi chỉ là những người bình thường đang cố gắng làm tốt công việc của mình”. Tại Gala WeChoice Awards 2023, đội ngũ truyền thông của di tích Hỏa Lò được xướng tên trong Top 10 Nhân vật truyền cảm hứng và là một trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng.

“Các cán bộ, nhân viên trong đơn vị rất tự hào khi được làm việc cùng nhau, chung sức, đồng lòng, vì mục tiêu lan tỏa tình yêu nước, lòng biết ơn, sự tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc” - Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Cảm nhận của du khách sau khi đi hết hành trình thiêng liêng.

Những bức ảnh trên Fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Với mong muốn đưa lịch sử đến gần hơn với du khách, từ giữa năm 2024, một số câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt của người tù bước đầu sẽ được thử nghiệm thể qua hình thức sân khấu hóa, lồng ghép vào các hoạt động tham quan ban ngày. Cùng với kế hoạch đó, đơn vị sẽ thực hiện bộ phim Hành quyết tử tù chiếu tại khu vực máy chém.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trong đó có xây dựng thêm nhà vệ sinh ở lối cửa ra đường Thợ Nhuộm; chỉnh lý mỹ thuật trưng bày nội dung về phi công Mỹ và phòng trưng bày ghi danh; bổ sung các bộ phim 3D nhằm làm phong phú nội dung trưng bày cố định. Trong tháng 7/2024, di tích sẽ ra mắt 2 trưng bày mới: Trưng bày chuyên đề Một thoáng Di sản, ra mắt nhân kỷ niệm 25 năm ngày Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình (16/7/1999 - 16/7/2024) và Trưng bày chuyên đề Thắp ngọn lửa hồng, kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024).